(Thị trường) – Theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cần tập trung nguồn lực để khởi công dự án đường sắt kết nối Trung Quốc trong năm 2025.
Tập trung đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc
Gần đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 57/TB-VPCP công bố quyết định của Thường trực Chính phủ về việc triển khai Đề án đầu tư cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và một số dự án đường sắt quốc gia khác. Ngoài ra, quyết định cũng nhấn mạnh việc đầu tư cho các tuyến đường sắt khác trên toàn quốc.
Để thực hiện dự án, Thường trực Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải làm đầu mối, phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác tiến hành đàm phán với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, kế hoạch hợp tác đầu tư cho 3 tuyến đường sắt chính: Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Đồng Đăng và Hạ Long – Móng Cái, qua đó mở rộng tuyến đường sắt ven biển từ Nam Định đến Quảng Ninh.
Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên đầu tư cho các tuyến đường này, không chỉ để thúc đẩy giao thông vận tải hàng hóa mà còn cải thiện dịch vụ vận tải hành khách. Trong đó, tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được đặt mục tiêu khởi công vào năm 2025. Đồng thời nghiên cứu các nguồn tài chính như vốn vay ưu đãi từ nước ngoài với điều kiện cụ thể về lãi suất, giá trị khoản vay và thời hạn, xem xét phát hành trái phiếu để huy động thêm nguồn vốn cho các dự án này.
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam vào tháng 12/2023, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký kết 02 biên bản ghi nhớ quan trọng, đánh dấu sự hợp tác mới trong lĩnh vực đường sắt.
Bản ghi nhớ đầu tiên được ký giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đường sắt giữa hai nước.
Bản ghi nhớ thứ hai giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam với Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc, với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác phát triển và viện trợ cho các dự án đường sắt xuyên biên giới giữa hai quốc gia.
Bên cạnh việc ký kết, hai nước cũng đã phát hành Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh cam kết hỗ trợ các công ty đường sắt tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc qua đường sắt.
Hai bên cũng thống nhất sẽ đẩy mạnh việc kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới và đặt kế hoạch nghiên cứu, triển khai xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn như Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Đồng Đăng – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng vào thời điểm thích hợp.
Cùng với đó, cả hai quốc gia đều thể hiện mong muốn trong việc tạo điều kiện cho giao thương và phát triển hạ tầng giao thông, cụ thể là đường sắt. Điều này cũng sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế khu vực và tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Quy mô của các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc
Tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng
Theo kế hoạch, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ được xây dựng với chiều dài khoảng 388 km, bắt đầu từ ga Lào Cai và kết thúc tại cảng Lạch Huyện, Hải Phòng. Tuyến đường có khổ đường 1.435 mm, đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) với Lào Cai (Việt Nam) dài 5,6 km.
Qua lộ trình, tuyến đường sẽ đi qua 8 địa phương là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và cuối cùng là Hải Phòng. Trong số các công trình kỹ thuật trên tuyến, dự án bao gồm 73 cầu lớn với tổng chiều dài cầu hơn 130km, 25 hầm với tổng chiều dài khoảng 25km và 38 nhà ga, trong đó có 29 nhà ga sẽ được xây mới.
Tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng không chỉ phục vụ vận tải hành khách mà còn hướng tới việc vận chuyển hàng hóa, với tổng kinh phí đầu tư ước tính từ 10 đến 11 tỷ USD.
Dự kiến tuyến đường sẽ có khả năng vận chuyển 10 triệu tấn hàng hóa mỗi năm và điều hành 15 đôi tàu mỗi ngày trong tương lai dài hạn.
Tuyến Hà Nội – Đồng Đăng
Ga Đồng Đăng là ga cuối cùng của tuyến đường sắt từ Gia Lâm (Hà Nội) đến Đồng Đăng, đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc kết nối giao thông giữa Việt Nam và Trung Quốc qua ga Bằng Tường.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng là huyết mạch quan trọng cho hoạt động thương mại và vận tải giữa hai nước với chiều dài 167 km, đi qua 21 ga và có khả năng vận hành tới 19 đôi tàu mỗi ngày đêm,
Tuy nhiên, tình trạng xuống cấp của hạ tầng tại Ga Đồng Đăng không phản ánh đúng mức tiềm năng và vị thế của nó trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.Vì vậy, cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc thậm chí xây dựng mới tuyến đường sắt từ Hà Nội đến Đồng Đăng.
Hiện nay, Trung Quốc đang xem xét khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để hỗ trợ việc khảo sát và lập quy hoạch chi tiết cho tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn từ Lạng Sơn về Hà Nội.
Đây chắc chắn sẽ là lợi thế lớn cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa hai nước, đồng thời góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, mở rộng cơ hội kết nối với thị trường ASEAN.
Tuyến Hạ Long – Móng Cái – Hải Phòng
Tuyến đường sắt Hạ Long – Móng Cái – Hải Phòng được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc tăng cường hoạt động thương mại qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trung Quốc hoàn thành đoạn đường sắt kết nối từ Cảng Phòng Thành đến Đông Hưng, tiếp giáp với Móng Cái (Quảng Ninh). Móng Cái sẽ thành điểm nút chính trong mạng lưới đường sắt liên kết giữa hai quốc gia.
Nếu việc đầu tư hệ thống đường sắt Hạ Long – Móng Cái – Hải Phòng được tiến hành đúng kế hoạch, thương mại biên giới tại cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) hứa hẹn phát triển mạnh mẽ.
Khi tuyến đường sắt Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng được xây dựng xong sẽ kết nối với tuyến đường sắt Phòng Thành – Đông Hưng ở Trung Quốc, tạo thành mạng lưới đường sắt liên tục, nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) qua Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái và trở lại Đông Hưng (Trung Quốc). Mạng lưới đường sắt này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất vận chuyển hàng hóa và khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN.
Nguồn:
https://cafebiz.vn/tuyen-duong-sat-khung-nao-tri-gia-11-ty-usd-ket-noi-viet-nam-trung-quoc-se-khoi-cong-trong-nam-sau-17624022313415272.chn